banner-topbar

Top 10 món ăn ngon, không gây ngán ngày Tết

Top 10 món ăn ngon, không gây ngán ngày Tết

Vào những ngày đầu năm mới, mọi người có dịp quây quần bên gia đình và bạn bè rôm rả những câu chuyện và thưởng thức những món ăn ngon. Tuy nhiên, ăn những món ăn truyền thống ngày tết trong nhiều ngày dễ gây cảm giác ngấy, không còn ngon miệng.

Vì vậy, việc tìm hiểu cách chế biến những món ăn mới lạ, ngon miệng, không ngây ngấy là điều băn khoăn của rất nhiều đầu bếp tại gia. Hôm nay, bạn hãy cùng Gia vị Trân Châu tìm hiểm top 10 món ăn vừa hấp dẫn lại đầy đủ chất dinh dưỡng để chiêu đãi gia đình và bạn bè trong những ngày đoàn viên nha!

1. Rau luộc kho quẹt

Đây là món ăn tưởng chừng dân dã, không quá mới lạ nhưng lại là một món ăn ngon được rất nhiều người ưa thích. Bữa ăn truyền thống ngày tết thường chứa nhiều thịt, chất béo, vì vậy việc chế biến món ăn này vừa giúp gia đình không bị ngấy trong bữa ăn, vừa cung cấp nhiều loại chất xơ, chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể.
Các nguyên liệu chính: Thịt ba chỉ, bông cải xanh, cà rốt, ớt tươi, đậu bắp, cải thìa, hành lá, hành tím, tỏi…
Cách thực hiện:

  • Thịt ba chỉ cạo sạch, chần sơ với nước sôi khoảng 2 phút, cắt thành hạt lựu.
  • Rau củ: rửa sạch các loại rau củ. Bông cải xanh cắt thành khối, cà rốt cắt miếng dài 3 cm, đậu bắp cắt bỏ cuống…
  • Luộc các loại rau củ. Chú ý, để các loại rau vừa chín tới, giữ được chất dinh dưỡng, bạn nên sắp xếp thứ tự cho vào luộc lần lượt là: súp lơ, cà rốt, đậu bắp. Luộc các loại rau củ khoảng 5 phút, sau đó bạn ngâm vào nước đá lạnh để giữ được độ giòn ngon.
  • Làm nước kho quẹt: cho vào bát 2 muỗng canh nước mắm, 2 muỗng canh đường, 1 muỗng cà phê tương ớt, 1 muỗng cà phê ớt băm (hoặc ớt bột), 1 muỗng canh nước lọc sau đó khuấy đều để gia vị tan hết. Bắc một chiếc nồi lên bếp, cho phần thịt đã thái nhỏ vào xào đến khi săn lại thì cho 1 muỗng cà phê hành, tỏi băm vào xào đến khi dậy mùi thơm. Cho phần nước sốt đã chuẩn bị vào kho khoảng 3 phút, sau đó thêm hành lá băm nhuyễn và tiêu xay vào rồi tắt bếp là hoàn thành.


​Món rau luộc kho quẹt ăn cơm rất bắt

2. Chân gà ngâm sả tắc

Chân gà sả tắc là một món ăn không khó nhưng bạn cần có bí quyết để thành phẩm món ăn không bị đắng, giữ được độ giòn ngon và vị chua, ngọt hài hòa, hấp dẫn. Trong những ngày tết, bạn có thể dùng món ăn này như một món ăn vặt hoặc nhâm nhi cùng một chút bia lạnh để cùng tụ họp với bạn bè. Bạn có thể tham khảo cách thực hiện sau đây để có được hương vị hoàn hảo nhất cho món chân gà ngâm sả tắc.
Các nguyên liệu chính: chân gà, hành tím, gừng, sả, tắc, ớt, tỏi, giấm, đường, nước mắm…
Cách thực hiện:
Chân gà rửa sạch, cắt bỏ phần móng rồi chặt làm đôi.
Hành tím, gừng làm sạch, đập dập. Sả rửa sạch, lấy phần non, đập dập, cắt khúc khoảng 5cm. Tắc bỏ cuống, cắt làm đôi; ớt cắt làm đôi hoặc để nguyên (tùy thuộc khẩu vị gia đình bạn nhé!)
Bắc nồi lên bếp, đun sôi nước rồi thêm vào 2 củ hành tím đã đập dập, ½ củ gừng đập dập, 2 khúc sả đã đập dập, ½ muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng cà phê đường, 2 muỗng canh giấm. Sau đó, cho chân gà vào luộc trong khoảng 10 phút – 15 phút. Sau đó, tắt bếp, cho chân gà ra tô nước đá đã chuẩn bị để chân gà giữ được độ giòn, dai.
Bắc lên bếp 400 ml nước lọc cùng 150 gram đường, đun cho đến khi đường tan hoàn toàn. Tiếp tục cho vào 50 ml giấm, 50 ml nước mắm rồi đun sôi trở lại và tắt bếp, để nguội.
Vớt chân gà ngâm ra khỏi nước đá, để ráo hoàn toàn. Lần lượt xếp chân gà xen kẽ sả, ớt, tắc vào hủ thủy tinh. Đổ nước ngâm đã nấu vào ngập tất cả nguyên liệu là hoàn thành. Bạn có thể thưởng thức chân gà ngâm sau 1 tiếng hoặc để qua đêm. Món ăn phải được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, tối đa khoảng 4 – 5 ngày.

3. Bắp bò ngâm mắm

Nguyên liệu chính: bắp bò, nước mắm, đường trắng, hoa hồi, quế khô, gừng, tỏi, ớt sừng.
Cách thực hiện:
Bắp bò rửa sơ với nước sau đó chà sát cùng gừng đập dập và muối để khử mùi hôi của thịt.
Tỏi, gừng, ớt làm sạch rồi thái thành lát mỏng.
Bắc nồi lên bếp, cho phần bắp bò, hồi quế, cùng gừng đập dập rồi đổ nước vừa ngập mặt thịt. Thêm vào nồi ½ muỗng cà phê muối rồi đun đến khi nước sôi mạnh thì hạ lửa nhỏ xuống và nấu đến khi thịt mềm (trong quá trình đun, bạn nhớ vớt bỏ phần bọt nổi trên bề mặt nha!). Khi thịt đã chín mềm, bạn vớt ra ngâm trong một thau nước đá để thịt giữ được độ ngọt và giòn hơn. Sau khi thịt bò nguội, để ráo và thái thành lát vừa ăn.
Chuẩn bị một chiếc nồi nhỏ, cho vào 1 bát đường, 1 bát nước, ½ bát giấm, tỏi, gừng, ớt đã cắt lát mỏng. Trộn đều hỗn hợp và đun sôi với lửa nhỏ đến khi đường và các gia vị hòa tan đều thì tắt bếp và để nguội.
Chuẩn bị 1 chiếc lọ thủy tinh vừa phải, cho phần bắp bò đã chuẩn bị vào lọ rồi cho phần nước mắm đã để nguội vào ngâm cùng (nên đổ đến khi nước mắm ngập mặt thịt để tránh những phần thịt không ngập sẽ bị hỏng). Bảo quản món ăn ở nhiệt độ phòng, khoảng 3 ngày là có thể thưởng thức.

4. Thịt heo rim nước dừa

Nguyên liệu chính: thịt heo, nước dừa tươi, tỏi, ớt, nước cốt chanh, nước mắm, dầu ăn, muối, đường, bột ngọt, tiêu xay…
Cách thực hiện:
Thịt heo rửa sạch với nước và nước cốt chanh và muối để khử mùi hôi. Rửa lại với nước sạch và để ráo, khứa những đường chéo lên thịt để thịt được thấm đều gia vị.
Tỏi lột vỏ, băm nhuyễn cùng ớt.
Bắc chảo lên bếp, thêm vào 1 muỗng canh dầu ăn rồi cho tỏi ớt băm nhuyễn vào phi thơm rồi tắt bếp. Đợi dầu nguội, cho thịt vào cùng với hỗn hợp gia vị: 1 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng cà phê nước màu dừa,  ¼ muỗng cà phê muối, 1 muỗng canh đường, 1 muỗng cà phê bột ngọt, 1 muỗng cà phê tiêu xay. Trộn đều và ướp thịt trong 30 phút – 1 giờ để thịt thấm đều gia vị.
Cho chảo thịt đã ướp lên bếp, đun với lửa vừa trong 5 phút để thịt săn lại rồi trở mặt thịt. Khi phần nước đã cạn được ½ , bạn cho 400 ml nước dừa vào khìa. Khìa với lửa nhỏ trong 20 phút, trở mặt thịt tiếp tục khìa thêm 20 phút nữa. Đến khi thịt bắt đầu sệt nước thì bạn nêm nêm lại gia vị cho vừa ăn, đun thêm 3 phút – 5 phút cho thịt rút hết nước sốt thì tắt bếp. Cắt thịt thành từng lát mỏng vừa ăn là bạn có thể thưởng thức được rồi đó. Bạn có thể thưởng thức món ăn này cùng cơm trắng hoặc bánh tráng, rau sống, nước mắm chua ngọt cũng rất ngon mà lại đỡ ngán rất nhiều đó!

5. Giò thủ

Nguyên liệu chính: Tai heo, mũi heo, hành tím, gừng, chanh tươi, mộc nhĩ, lá chuối, dầu ăn, hạt tiêu, đường, hạt nêm, muối
Cách thực hiện:
Tai heo, mũi heo sau khi mua về, bạn cạo sạch rồi chà sát với muối hột rồi rửa lại sạch.
Mộc nhĩ (nấm mèo) cắt gốc rồi ngâm nước lạnh khoảng 20 phút để nấm nở mềm, rửa sạch và cắt sợi.
Cho thịt vào nồi ngập nước, thêm vào 1 củ gừng, 2 củ hành tím đã đập dập để khử mùi hôi của thịt. Khi thịt chín thì vớt ra tô nước đá để thịt được trắng, giòn hơn. Ngâm khoảng 15 phút, vớt ra để ráo rồi thái thành lát mỏng. Ứơp thịt với hạt nêm, tiêu hạt, đường, nước mắm, để yên cho thịt ngấm trong 30 phút.
Bắc chảo lên bếp, cho vào 1 muỗng canh dầu ăn, cho thịt và mộc nhĩ vào xào trên lửa lớn, đảo đều tay, xào trong khoảng 15 phút thì tắt bếp.
Lót lá chuối vào khuôn, cho thịt đã xào vào từ từ, ép thật chặt để giò được chắc và bảo quản được lâu hơn. Giò thủ sau khi bó, giữ trong ngăn mát khoảng 4 giờ - 6 giờ là có thể thưởng thức được rồi đó.

6. Miến trộn

Các nguyên liệu chính: miến tươi, thịt bò, hành tây, cà rốt, nấm mèo, nước tương, đường, tiêu xay, dầu ăn.
Cách thực hiện:
Đun sôi nước, khi nước sôi bùng thì cho ¼ muỗng cà phê muối vào rồi cho miến vào trụng khoảng 2 phút rồi vớt ra để ráo.
Ngâm nấm mèo với nước ấm, đợi khoảng 20 phút, bạn cắt gốc rồi thái nhỏ. Cà rốt gọt vỏ thái chỉ.
Thịt bò rửa sạch thái mỏng rồi ướp với 1 thìa nước tương, ½ thìa dầu ăn, ½ thìa cà phê đường, ¼ thìa cà phê tiêu để khoảng 20 phút cho ngấm vị.
Trộn 5 muỗng cà phê nước tương, 1 muỗng cà phê đường, 3 muỗng cà phê dầu ăn, 1 muỗng cà phê mè rang, 1 muỗng cà phê hạt nêm, 2 muỗng canh nước rồi khuấy đều. Cho hỗn hợp lên bếp, đun đến khi sôi thì cho miến vào xào, khi nước trộn cạn thì tắt bếp, để nguội.
Bắc một chiếc chảo khác lên bếp, xào sơ cà rốt, nấm mèo với lửa to rồi cho thịt bò vào xào nhanh tay rồi tắt bếp. Bày miến xào ra đĩa rồi cho phần cà rốt, thịt bò đã xào lên trên, trang trí thêm với một ít ngò, mè rang, tiêu xay là bạn có thể thưởng thức được rồi đó!

7. Gà nướng lá quế

Nguyên liệu chính: gà ta, lá quế tươi, hồi, hành tây, chanh, trúng gà, gừng, tiêu xay.
Cách thực hiện:
Gà sau khi làm sạch, ngâm với nước muỗi loãng trong 15 phút rồi rửa sạch lại với nước.
Củ hồi rửa sạch, bỏ phần cọng, dùng ½ củ cắt nhỏ theo chiều dọc củ. Lá quế nhặt sạch rồi ngâm với nước muối loãng rồi rửa lại sạch. Lấy ½  trái chanh, ½ củ hành tây cắt miếng nhỏ theo chiều dọc. 1/2 trái chanh còn lại vắt lấy nước cốt và bào nhỏ phần vỏ.
Cho toàn bộ phần củ hồi, chanh, quế và hành tây nhét vào bụng gà. Dùng cọ quét một lớp lòng đỏ trứng quanh thân gà và 1 ít tiêu đen xay lên bề mặt thân gà. Trộn đều 1 muỗng cà phê muối, một ít vỏ chanh bào nhỏ rồi thoa đều lên thân gà để gia vị được thấm đều.
Bật lò mức nhiệt 1800C, trước 15 phút để lò ổn định nhiệt độ. Cho gà vào lò với nhiệt độ 1800C với chế độ lửa trên dưới trong 60 phút đến khi lớp da gà vàng giòn thì lấy gà ra là hoàn thành rồi đấy.
Với món gà nước lá quế, bạn có thể dùng kèm dưa chua chấm cùng với muối ớt xanh là chuẩn vị nhất rồi đấy!

8. Lẩu gà ớt hiểm

Nước dùng lẩu có vị ngọt thanh hòa quyện chút cay nhè nhẹ của ớt, mùi thơm thoảng nhẹ của sả, kỷ tử, nấm đông cô. Tất cả kết hợp tạo nên một hương vị đặc biệt khó có thể tả hết. Không còn gì trọn vẹn hơn khi ngày mưa lành lạnh được quây quầy bên những người mình yêu thương để nhau cùng thưởng thức nồi lẩu gà tiềm ớt hiểm nóng hổi ngon lành. Chỉ với những nguyên liệu rất đơn giản, bạn chỉ cần dành chút thời gian vào bếp là sẽ có ngay một nồi lẩu gà tiềm ớt hiểm thơm ngon, bổ dưỡng cho gia đình thưởng thức. Bạn có thể tham khảo cách thực hiện sau đây nhé:

>>Cách nấu lẩu gà tiềm ớt hiểm tại nhà đơn giản nhất

9. Lẩu gà lá giang

Nguyên liệu chính: gà ta, 1 bó lá giang, sả, gừng, ớt, tỏi, ngò gai, các loại rau ăn kèm (bắp chuối, rau muống, ngó sen…), bún tươi.
Cách thực hiện:
Gà làm sạch, dùng gừng và muối chà bên ngoài để loại bỏ mùi hôi và bụi bẩn. Rửa lại với nước sạch và chặt thành miếng vừa ăn. Ướp thịt gà với 1 muỗng cà phê đường, ½ muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê nước mắm để khoảng 15 phút – 20 phút cho gà thấm gia vị.
Tỏi, hành tím, sả làm sạch và băm nhuyễn.
Các loại rau ăn kèm: nhặt sạch, rửa qua với nước muối loãng.
Bắc nồi lên bếp, cho vào 2 muỗng canh dầu ăn, khi dầu nóng, cho tỏi, hành tím băm vào phi thơm và cho phần thịt gà đã ướp gia vị vào xào đến khi thịt gà săn lại. Cho vào khoảng 2 lít nước rồi đun sôi. Khi nước lẩu đã sôi, bạn cho vào ½ muỗng cà phê muối, ½ muỗng cà phê bột ngọt, 1 muỗng cà phê đường, 1 muỗng cà phê nước mắm, 1 muỗng cà phê sa tế (bạn nhớ gia giảm gia vị để phù hợp khẩu vị gia đình bạn nha). Sau đó, bạn cho phần lá giang đã được vò dập vào nước lẩu và chờ đến khi nước lẩu sôi lại thêm lần nữa là có thể thưởng thức.
Bạn có thể trang trí bằng một ít ngò gai cắt khúc, ớt sừng cắt lát để món ăn thêm bắt mắt và dậy mùi thơm. Khi thưởng thức, bạn dùng kèm các loại rau đã chuẩn bị và bún tươi.

10. Lẩu tây tạng

Nước dùng lẩu có vị ngọt thanh từ xương được hầm kĩ hòa quyện cùng mùi thơm nhẹ đặc trưng của các vị thuốc như quế khô, xuyên tiêu, hoa hồi, thảo quả… xen lẫn chút cay ấm của tiêu và ớt. Lát thịt bò vừa chín tới, mềm ngọt, viên chả tôm dai ngọt vừa chín tới. Chút sần sật ngọt thơm giúp đỡ ngấy của rau, nấm ăn kèm giúp người ăn càng ăn càng thích. Còn gì trọn vẹn hơn khi được thưởng thức hương vị lẩu Tây Tạng mới lạ hấp dẫn bên gia đình, bên những người thân cùng rôm rả những câu chuyện đầu năm đầy niềm vui. Bạn có thể tham khảo cách thực hiện sau đây:

>>Cách nấu lẩu Tây Tạng tại nhà
10 món ăn ngon, bổ dưỡng, không gây ngán ngày Tết.

Trên đây là bài viết chia sẻ 10 món ăn ngon, bổ dưỡng, không gây ngán ngày Tết. Chỉ cần những nguyên liệu quen thuộc, một chút thời gian vào bếp, bạn đã có thể chiêu đãi gia đình và người thân yêu những món ăn thơm lành, tốt cho sức khỏe để bắt đầu một năm mới đầy niềm vui và hy vọng. Chúc bạn thực hiện thành công!!!

Đang xem: Top 10 món ăn ngon, không gây ngán ngày Tết

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng