banner-topbar

Cách nấu lẩu Tây Tạng thơm ngon tại nhà | Công thức nấu lẩu Tây Tạng chuẩn vị

Cách nấu lẩu Tây Tạng thơm ngon tại nhà | Công thức nấu lẩu Tây Tạng chuẩn vị

Lẩu Tây Tạng là món ăn có truyền thống lâu đời của nền ẩm thực xứ sở Tây Tạng nói riêng và ẩm thực Trung Hoa nói chung. Vị lẩu thơm ngon ấn tượng nhờ sự kết hợp của nhiều nguyên liệu “tưởng không hợp nhưng lại hợp không tưởng”, khi du nhập vào Việt Nam, món ăn này đã chiếm trọn cảm tình của nhiều thực khách bởi vị cay ấm kết hợp cùng vị ngọt thanh của nước dùng. Nhiều người chọn đến các nhà hàng, quán ăn để thưởng thức đúng vị nhất, tuy nhiên không gian lại không được riêng tư và chi phí khá cao. Hôm nay, bạn hãy xắn tay áo vào bếp cùng Gia vị Trân Châu thực hiện ngay món ăn này một cách chuẩn nhất nhé. Bạn đừng quên theo dõi đến cuối bài chia sẻ để nhận được bí quyết nấu lẩu Tây Tạng thơm ngon, tiết kiệm thời gian nhất nha!!!

I. Các nguyên liệu cần chuẩn bị cho món lẩu Tây Tạng

1. Các nguyên liệu chính

  • Thịt bò: 500 gram
  • Xương bò: 500 gram
  • Hải sản: 500 gram (tôm, mực, nghêu, bạch tuột… tùy vào sở thích của bạn nhé)
  • Củ cải trắng: 1 củ
  • Cà rốt: 2 củ
  • Trứng: 3 quả
  • Cà chua: 1 quả
  • Các loại rau, nấm ăn kèm: rau cải thìa, cải thảo, cải cúc (rau tần ô), nấm hương, nấm kim châm…
  • Bún tươi (hoặc mì)


Một số nguyên liệu chính của món lẩu Tây Tạng

2. Các gia vị cần cho món lẩu Tây Tạng

  • Gừng: 1 củ
  • Hành lá: 5 nhánh
  • Tỏi: 2 củ
  • Nguyệt quế: 2 gram
  • Xuyên tiêu: 1 muỗng canh
  • Đinh hương: 1 muỗng canh
  • Thảo quả: 4 quả
  • Tiêu hồi: 1 muỗng canh
  • Hạt thì là: 1 muỗng canh
  • Quế khô: 3 miếng
  • Rượu trắng: 2 muỗng canh
  • Ớt bột khô: 3 muỗng canh
  • Ớt khô: 50 gram
  • Dầu mè: 2 muỗng canh
  • Các gia vị thông dụng: dầu ăn, muối, tiêu xay, nước tương, đường.


Các gia vị chính cần cho món lẩu Tây Tạng

II. Sơ chế các nguyên liệu

Rửa sạch thịt bắp bò dưới vòi nước chảy liên tục cho sạch cặn bẩn. Sau đó, để ráo hoặc dùng miếng vải sạch thấm khô bắp bò, cắt thịt thành từng lát mỏng vừa phải.


Rửa sạch xương bò, trụng sơ với nước sôi khoảng 3 phút để khử mùi hôi và làm sạch cặn bẩn. Việc trụng sơ xương bò còn giúp nước dùng khi nấu được trong và hấp dẫn hơn rất nhiều bạn nha.

Củ cải trắng, cà rốt gọt sạch vỏ rồi cắt thành khối dày 1 cm (bạn có thể tỉa thành hình cánh hoa để trông xinh xắn hơn nha ^.^)
Hành tím, tỏi, gừng bóc sạch vỏ và băm nhuyễn.
Với các vị thuốc còn lại: nguyệt quế, xuyên tiêu, đinh hương, thảo quả, tiêu hồi, hạt thì là, quế khô bạn xay nhuyễn thành một hỗn hợp ( do các vị thuốc có mùi khá nồng nên bạn nhớ chú ý đúng liều lượng để món ăn được hấp dẫn nha!

Với các loại rau nấm ăn kèm, bạn nhặt sạch rồi rửa sạch và cắt thành khúc vừa ăn nhé!

III. Hướng dẫn cách nấu lẩu Tây Tạng thơm ngon tại nhà

1. Hầm nước dùng

Với món lẩu này, vì xương bò cần thời gian nấu khá lâu nên mình khuyến khích bạn sử dụng nồi áp suất để tiết kiệm thời gian (Nếu không có nồi áp suất, bạn vẫn có thể hầm trong nồi thường ở mức lửa vừa trong khoảng 2 giờ nhé!).
Đầu tiên, bạn cho nồi áp suất lên bếp thêm vào khoảng 1.5 lít nước và phần xương bò đã được sơ chế vào hầm. Đun trong vòng 15 – 20 phút.

2.Làm xốt lẩu

Trong thời gian chờ hầm nước dùng, chúng ta cùng làm xốt gia vị cho lẩu nhé! Bạn bắc một cái chảo lên bếp với lửa vừa, cho thêm khoảng 2 muỗng canh dầu ăn (nếu bạn thích có thể thay thế bằng mỡ bò nha). Tiếp theo, cho vào 2 muỗng canh đường cát và chỉnh lửa ở mức vừa.
Khi đường đã bắt đầu chảy và chuyển sang màu vàng sậm thì cho tiếp tục gừng, ớt, tỏi, hành tím đã băm nhuyễn vào phi đến khi dậy mùi thơm.
Khi gia vị đã dậy mùi thơm, bạn cho tiếp ớt khô vào xào. Sau khi đảo đều tay, bạn cho tất cả phần gia vị đã xay nhuyễn vào xào chung.

Tiếp theo, bạn thêm vào 1 muỗng canh đường, ½ muỗng canh muối, 1 muỗng cà phê hạt nêm, khuấy đều và tắt bếp.
Nước dùng sau khi hầm 20 phút, bạn tắt bếp, xả hơi áp suất rồi mở nắp từ từ. Cho tất cả phần xốt lẩu đã chuẩn bị vào nồi,khuấy đều và cho phần củ cải trắng, cà rốt đã cắt khoanh vào. Tiếp tục hầm nước dùng trong 5 phút với lửa vừa. Bạn nêm nếm lại cho phù hợp và tắt bếp là hoàn thành rồi nhé!

3.Trình bày món ăn

Bạn có thể múc nước dùng lẩu ra nồi điện, thêm vào đậu hũ trắng đã cắt khối và đun sôi trở lại. Nước dùng sôi, bạn có thể cho các loại hải sản (nghêu, tôm, mực) và các loại rau đã sơ chế vào. Khi nước sôi trở lại, bạn nhúng phần thịt bò đã thái lát vào để thịt bò chín vừa tới như vậy thịt vẫn giữ được độ ngọt tự nhiên và mềm vừa phải. Khi dùng, bạn có thể dùng với bún tươi hoặc mì đều ngon cả nhé!
*Một số lưu ý để nấu lẩu Tây Tạng:

  • Cách khử mùi hôi của thịt bò: Bạn lấy một củ gừng sau đó đem nướng chín, cạo lớp vỏ cháy, giã nhuyễn và xát lên thịt bò. Sau đó, xả sạch thịt bò bằng nước lạnh, mùi bò sẽ mất bớt.
  • Mẹo giúp thịt bò mềm: Ướp thịt với dầu hoặc thêm vào một chút nước có tính acid như giấm hoặc chanh, việc này giúp phá vỡ các liên kết protein trong bó cơ của bò làm thịt bò mềm và ngon hơn.

  • Nếu có nhiều thời gian chuẩn bị, bạn có thể tự thực hiện món chả tôm để nhúng lẩu. Chả tôm dùng kèm sẽ giúp món lẩu trở nên phong phú và ngon lành hơn! Bạn có thể tham khảo cách thự hiện sau đây:

+ Làm sạch 300 gram tôm tươi, bóc vỏ, rút chỉ đen và băm nhuyễn.
+ Ướp tôm với 1 muỗng cà phê hạt nêm, ½ muỗng cà phê tiêu, 1 lòng trắng trứng và 1 muỗng canh bột bắp. Sau đó, bạn đeo bao tay nhồi đều khoảng 5 phút rồi cho tôm vào khay, bọc kín lại là cho vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 1 tiếng đến 2 tiếng trước khi ăn (việc này sẽ giúp chả tôm giữ được độ tươi và khi ăn có độ dai, ngọt hấp dẫn).

  • Nếu gia đình bạn có trẻ em hoặc người ăn không cay được thì bạn có thể làm thêm một ngăn lẩu nước hầm xương bò sau đó nêm nếm cho vừa miểng rồi nhúng thịt bò, các loại hải sản và rau nấm để mọi người có thể được thoải mái thưởng thức nha ^.^

Nước dùng lẩu có vị ngọt thanh từ xương được hầm kĩ hòa quyện cùng mùi thơm nhẹ đặc trưng của các vị thuốc như quế khô, xuyên tiêu, hoa hồi, thảo quả… xen lẫn chút cay ấm của tiêu và ớt. Lát thịt bò vừa chín tới, mềm ngọt, viên chả tôm dai ngọt vừa chín tới. Chút sần sật ngọt thơm giúp đỡ ngấy của rau, nấm ăn kèm giúp người ăn càng ăn càng thích. Còn gì trọn vẹn hơn khi được thưởng thức hương vị lẩu Tây Tạng mới lạ hấp dẫn bên gia đình, bên những người thân yêu vào những buổi chiều mưa lất phất, mọi người cùng quây quần bên món ăn thơm ngon, cùng rôm rả những câu chuyện đầy niềm vui.

Như vậy, chỉ cần kết hợp thêm một vài loại gia vị mới cùng một chút biến tấu trong cách nấu là bạn đã có thể “hô biến” món thịt bò quen thuộc thành một món lẩu mang hương vị Tây Tạng vừa lạ vừa quen để chiêu đãi những người thân yêu rồi! Chần chờ gì mà không vào bếp thực hiện ngay món ăn hấp dẫn, bổ dưỡng này bạn nhỉ? Chúc bạn thực hiện thành công nhé.

Đang xem: Cách nấu lẩu Tây Tạng thơm ngon tại nhà | Công thức nấu lẩu Tây Tạng chuẩn vị

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng